NHỮNG THỐNG KÊ ÍT ĐƯỢC BIẾT ĐẾN TẠI RYDER CUP

>> Đọc thêm:
Ryder Cup và điểm khác biệt so với giải major?
BMW PGA Championship 2023 thiếu vắng sự tham dự của các thành viên tuyển Ryder Cup Mỹ

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1927, thế nhưng mãi đến những năm thập niên 80 của thế kỷ 20, mọi người mới thực sự chú ý đến Ryder Cup. 

Tuyển Mỹ giành chiến thắng tại kỳ Ryder Cup đầu tiên vào năm 1927.

Ở trong 24 mùa giải đầu tiên, tuyển Mỹ hoàn áp đảo tuyển Châu Âu khi có đến 21 lần giành chiến thắng. Mọi chuyện đã thay đổi vào năm 1983, khi Tony Jacklin lên làm đội trưởng tuyển Châu Âu và Seve Ballesteros bước vào giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp. Kể từ đó, đây được coi là giải đấu hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm từ người hâm mộ. 

Trung bình, ở 43 kỳ Ryder Cup đã diễn ra, hầu như các đội chủ nhà đều chiếm lợi thế ở cả 3 thể thức thi đấu. Điển hình là ở hai kỳ Ryder Cup gần nhất, tại Le Golf National năm 2018 tuyển Châu Âu giành chiến thắng áp đảo 6-2 trong trận Foursomes, tiếp đó tuyển Mỹ lại chiếm ưu thế tại Whistling Straits năm 2021.


 

Các con số thống kê cũng chỉ ra rằng, kể từ năm 1983, tuyển Châu Âu có những chiến lược thi đấu hợp lý hơn hẳn so với tuyển Mỹ. Trong các trận đấu đôi, tuyển Châu Âu có tỷ lệ thắng 55% ở thể thức Fourball và 52,6% ở thể thức Foursomes. Tuy nhiên, ở nội dung đấu đơn, tuyển Mỹ lại chiếm chút ưu thế với tỷ lệ thắng 51,1%. Dễ dàng nhận thấy, tuyển Mỹ vượt trội ở nội dung đấu đơn bởi họ luôn sở hữu những golfer đẳng cấp thế giới, nhưng ở các trận đấu đôi đòi hỏi tính chiến thuật và sự phối hợp giữa các thành viên, người Châu Âu lại đang làm tốt hơn. 

Ian Poulter là golfer có số lần nằm trong lựa chọn của đội trưởng nhiều nhất. 

Ngoài ra, những golfer nằm trong sự lựa chọn của đội trưởng mỗi đội tuyển chỉ có tỷ lệ thành công khoảng 50%. Trong đó, Ian Poulter là cái tên nhận được sự tín nhiệm nhiều nhất lịch sử Ryder Cup với 5 lần nằm trong sự lựa chọn của đội trưởng tuyển Châu Âu. Đáp lại sự kỳ vọng đó, Poulter cũng có thành tích không hề tệ tại các kỳ Ryder Cup với 11 trận thắng, 6 trận thua và 2 trận hòa. 

Bên cạnh các cái tên dày dặn kinh nghiệm, mỗi kỳ Ryder Cup đều có sự xuất hiện của các tân binh, thống kê cho thấy, các tân binh người Mỹ đã thể hiện một phong độ đáng nể với tổng cộng 113 trận thắng, 104 trận thua và 40 trận hòa. Trong khi các tân binh của Châu Âu lại chưa thể hiện được nhiều với 78 trận thắng, 101 trận thua và 37 trận hòa. 

Rory McIlroy và Rickie Fowler ở kỳ Ryder Cup 2014.

Tiếp đến, tỷ lệ chiến thắng trên bảng xếp hạng Ryder Cup cho thấy sự vượt trội của người Châu Âu, khi người chơi tốt nhất đạt được tỷ lệ thắng lên đến 61,2%, trong khi người chơi có tỷ lệ thắng tốt nhất bên phía tuyển Mỹ chỉ đạt 45,9%. Từ lâu, Châu Âu được coi là đội tuyển có tinh thần gắn kết giữa các thành viên, điều đó được minh chứng khi trong 30 năm gần nhất, tuyển Châu Âu chưa một lần nhận thất bại trên sân nhà. 

 

Trước khi Ryder Cup 2023 diễn ra vào cuối tháng này, mọi số liệu thống kê cũng chỉ để tham khảo, bởi gần như thực lực giữa 2 đội là ngang bằng. Dù xuất phát điểm khác nhau, nhưng mỗi đội đều có một mục tiêu chung là giành chiến thắng, khi người Châu Âu sẽ cố gắng để giữ mạch thắng trên sân nhà, còn người Mỹ không hề muốn mất chiếc cúp đã giành được ở 2 năm trước đó.
 

Nguyễn Văn Đoàn (Golf News)

407 0 0