CHỦ TỊCH HIỆP HỘI GOLF VIỆT NAM: THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT KHIẾN GOLF VIỆT NAM CHƯA THỂ PHÁT TRIỂN

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về lợi thế tự nhiên của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới để phát triển du lịch golf?

Ông Lê Kiên Thành: Theo đánh giá của tôi, lợi thế tự nhiên của Việt Nam so với các nước xung quanh để phát triển du lịch golf là giống nhau. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, chúng ta không có gì lợi thế hơn vì cùng chung 1 dải khí hậu, các nước đó cũng có cảnh quan gồm đường bờ biển, núi đồi, hệ sinh thái thực vật… giống Việt Nam. Việt Nam chỉ có lợi thế hơn 1 số nước có ít đất đai hơn như là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, chúng ta lại có nền kinh tế chưa bằng họ, cho nên chưa có lợi thế đặc biệt gì so với các nước khác.

Thêm nữa, môn golf là chỉ mới du nhập trở lại vào Việt Nam hơn 20 năm trở lại đây, trong khi ở các nước khác bộ môn này đã có từ rất lâu rồi. Chính vì lẽ đó, số lượng sân golf của họ nhiều hơn chúng ta rất nhiều. Đặc biệt, chúng ta vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng của golf (sân golf còn ít, địa điểm đặt sân golf nằm ở những vị trí chưa thuận lợi cho việc đi lại, giá chơi còn cao so với mức thu nhập của nhiều người…).

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf, tuy nhiên so với thế giới du lịch golf của chúng ta chỉ mới chập chững những bước phát triển đầu tiên, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với các nước trong khu vực.


Ông Lê Kiên Thành - Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam

- So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng chúng ta phát triển chậm hơn, nguyên nhân xuất phát từ đâu, thưa ông?

Theo tôi, cách nhìn về bộ môn golf của chúng ta chưa được hiểu đúng. Đại đa số mọi người vẫn cho rằng golf là một môn thể thao xa xỉ, chỉ dành cho những người trong giới quý tộc, có cả địa vị và tiền bạc mới có thể chơi được, chưa kể bộ môn này còn chiếm nhiều diện tích đất. Ngay cả Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh khi họp hành cũng phản đối chuyện sân golf.

Tôi lấy ví dụ về việc tại sao chúng ta đầu tư phát triển các khách sạn 5 sao cao cấp. Như chúng ta đã biết, các khách sạn 5 sao cao cấp thường nằm ở những vị trí đắc địa nhất của các tỉnh trên cả nước, tại các trung tâm kinh tế, các điểm du lịch, thường phải mang tên nước ngoài, tại sao lại nằm ở những vị trí đắc địa nhất của thành phố…”.

Vậy lợi ích của việc xây dựng các khách sạn 5 sao này để làm gì, đó là nó tạo ra một môi trường đầu tư tốt, thu hút sự quan tâm các nhà đầu tư từ nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Sân golf cũng vậy. Nó tạo ra một môi trường đầu tư tốt cho từng địa phương trên cả nước và từ đó nó sẽ mang lại được rất nhiều lợi ích cho người lao động.

- Có ý kiến cho rằng, sân golf đang bị trục lợi, biến tướng khi chủ dự án lợi dụng việc cho phép sử dụng 10% tổng diện tích đất xây dựng các công trình phục vụ hoạt động sân golf (như xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ mục đích kinh doanh). Cùng với đó là hệ luỵ từ môi trường khó mà giải quyết được. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này?

Theo quan điểm của tôi, nếu nói việc xây dựng sân golf gây nguy hại cho môi trường thì suy nghĩ này là không đúng. Như chúng ta được biết, trong sân golf, ngoài các khu vực được sử dụng để đánh golf, có nhiều khu vực chỉ để tạo cảnh quan và chính những khu vực này có thể là nơi được động vật hoang dã sử dụng để làm nơi sinh sống và phát triển.

Đối với việc sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf để xây khách sạn, biệt thự để bán, kinh doanh và cho thuê kinh doanh thì tôi cho rằng đó không phải nguồn để thu lợi nhuận kiếm lời. Không có ai lại bỏ ra một số tiền lớn đi mua nhà tại những vùng hẻo lánh, xung quanh thiếu thốn các dịch vụ thiết yếu, chưa kể để có thể bán được các bất động sản này thì cần phải có sổ hồng, sổ đỏ.

- Du lịch golf Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần được tháo gỡ và một trong những giải pháp cấp thiết nhất hiện nay đó là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (20%) để sản phẩm du lịch golf của chúng ta có thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Quan điểm của ông thế nào?

Hiện nay chơi golf tại Việt Nam đắt hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia do bị cộng thêm 20% thuế TTĐB, mặc dù thu nhập bình quân đầu người của chúng ta thấp hơn. Hiện giá chơi golf ngày thường ở Thái Lan, Malaysia vào khoảng 1,2 triệu đồng nhưng ở Việt Nam là khoảng 2 triệu đồng.

Chúng tôi nhận thấy, không có một nước nào trên thế giới đánh thuế TTĐB các dịch vụ kinh doanh golf như Việt Nam hiện nay. Việc đánh thuế TTĐB khiến cho golf tại Việt Nam chưa thể phát triển dù golf đã du nhập vào nước ta hơn 20 năm. Chúng tôi cũng đã từng có các kiến nghị, đề nghị tới Quốc hội về việc xem xét bỏ thuế TTĐB đối với kinh doanh golf, bởi vì đây là một môn thể thao đã được SEA Games công nhận, Olympic công nhận.

Cùng với đó, du lịch golf cũng đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông khách quốc tế và trong nước. Và loại hình này mang đến doanh thu lớn cho ngành du lịch nước ta bởi nhóm khách du lịch này có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày.

- Chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo nhân lực quyết định sự phát triển mọi mặt của đất nước, ngành golf cũng không phải là một ngoại lệ. Ông đánh giá thế nào về thực trạng nguồn nhân lực sân golf tại Việt Nam hiện nay?

Tùy vào quy mô của sân golf và số lượng người chơi mà số lượng nhân sự trong sân golf cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trung bình một câu lạc bộ golf có quy mô 18 lỗ hiện nay với nhiều hạng mục đi kèm cần từ 200 đến 600 nhân viên làm tại nhiều bộ phận khác nhau, trong đó có những vị trí quan trọng như tổng quản lý, giám đốc marketing, giám đốc golf, giám đốc bảo dưỡng, chăm sóc mặt sân (course superintendent, maintainance), phụ trách huấn luyện caddy,…

Hiện nay có nhiều chuyên gia golf nước ngoài sang Việt Nam đảm nhiệm những vị trí chủ chốt tại các sân golf. Một sân golf khi đi vào hoạt động thì nhân vật điều hành quan trọng nhất là tổng quản lý. Người đó thường là một tay golf chuyên nghiệp có chứng chỉ quốc tế, đảm nhận việc lên kế hoạch hoạt động, lên bộ khung nhân sự, tìm kiếm và đào tạo các vị trí chủ chốt khác.

- Trong thời gian tới, Hiệp hội có kiến nghị gì để du lịch golf Việt Nam phát triển, vươn tầm quốc thế giới?

Hiện nay, Hiệp hội đang cố gắng vận động để cho nhiều tầng lớp nhân dân và nhiều tầng lớp các cấp quản lý hiểu được rõ thêm về bộ môn golf và ủng hộ bộ môn golf như là một môn thể thao. Đồng thời, Hiệp hội cũng có kiến nghị đối với Nhà nước xem xét bỏ thuế TTĐB áp dụng trong kinh doanh sân golf, khi đó giá chơi sẽ giảm và có nhiều người tham gia hơn.

Để du lịch golf Việt Nam phát triển, chúng ta có thể học hỏi từ các nước khác trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Hiện họ đã hình thành các tour trọn gói giá tốt gắn với du lịch golf nhờ sự vào cuộc hỗ trợ từ phía Chính phủ, hệ thống cung ứng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các công ty lữ hành… Trong khi ở nước ta vẫn thiếu những chính sách tạo điều kiện phát triển du lịch golf chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, để tạo sức hút cho du lịch golf, bên cạnh hoàn thiện các loại hình sân golf, cần kết hợp chơi golf với các hoạt động du lịch mang tính thế mạnh của địa phương để tạo sự khác biệt. Ngoài ra, cần tập trung tổ chức những giải đấu golf chuyên nghiệp và nghiệp dư, các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về golf để thu hút những người chơi golf và du khách thật sự quan tâm đến môn thể thao này ở cả trong, ngoài nước.
 

Nguồn Báo Việt Nam Finance
 

>> Đọc thêm: 
Tiền Phong Golf Championship mùa thứ 7 đã quay trở lại trong tháng 11 này 
CLB Golf K40 giành giải vô địch tại Giải Vô địch các câu lạc bộ trường Đại học Kinh tế Quốc dân 

420 0 0