TƯỢNG ĐÀI CỦA ASIAN TOUR QUA ĐỜI

Theo Asian Tour, Han mất hôm 19/2 tại Singapore. Ông sống ở đây cùng vợ và hai con gái.

“Golf châu Á đã mất một trong những người chơi và nhà lãnh đạo vĩ đại nhất”, uỷ viên kiêm Giám đốc Điều hành Asian Tour Cho Minn Thant bày tỏ.

>> Đọc thêm: 

Han, sinh ngày 13/2/1961 tại Myanmar được xem là nhân tố giúp đấu trường châu Á từ khởi đầu khiêm tốn và đầy thách thức có vị thế trong trật tự golf thế giới ngày nay. Năm lên hai, ông cùng gia đình chuyển đến Mỹ do người bố đảm nhận công tác ngoại giao mới. Han sau đó được tiếp cận golf, đến sân cùng bố, ba anh trai và đọc cuốn “Golf My Way” của huyền thoại Jack Nicklaus.

Kyi Hla Han tại giải Johnnie Walker Hongkong Open 1989 (ảnh: Chu Ming-hoi/SCMP)
Kyu Hla tại giải Johnnie Walker HongKong Open 1989 ( ảnh: Chu Ming - hoi/SCMP)

Năm Han chín tuổi, gia đình ông về Manila. Một thập kỷ sau, năm 1980, Han qua diện chuyên nghiệp, đại diện quốc gia dự World Cup cùng năm tại Bogota, Colombia và nuôi giấc mộng vào PGA Tour.

Là thế hệ tiên phong, Han nằm trong số những golfer châu Á đầu tiên ra nước ngoài thi đấu. Ông đánh khoảng 35 giải mỗi năm, với nhóm châu Á từ tháng Hai đến tháng Tư, qua châu Âu từ tháng Năm đến tháng Chín và ở Australia từ tháng Mười đến tháng Giêng năm sau. Qua 25 năm đấu golf đỉnh cao, ông giành được tổng cộng 12 chức vô địch, tính cả Singapore Open 1994 thuộc PGA Tour of Australia và Volvo China Open 1999 trong hệ thống Asian Tour.

Han bên bộ gậy trước khi vào hoạt động pro-am tại PGA Championship 1999
Han bên bộ gậy trước khi vào hoạt động pro-am tại PGA Championship 1999

Han được đặt biệt danh “Ian Woosnam của châu Á” bởi ngoại hình thấp bé nhưng đầy uy lực và sở hữu những pha phát bóng xa tương tự golfer lừng danh xứ Wales, từng 50 tuần ở đỉnh bảng xếp hạng thế giới (OWGR).

Hành trình đoạt cúp tại Trung Quốc hồi 1999, Han có sự đồng hành suốt bốn ngày của người cha. Cuối mùa, ông thắng cuộc đua tiền thưởng Order of Merit, với 204.211 USD. Nhờ vậy, ông được suất đặc cách đến Tây Ban Nha tranh giải WGC-American Express Championship và major The Open Championship của R&A tại St. Andrews. Dù không qua cắt loại, bức ảnh trên cây cầu Swilcan trứ danh vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong văn phòng của cố golfer. 

Cũng nhờ những năm tháng học tập ở Mỹ, tiếng Anh của Han trôi chảy hơn cả ngôn ngữ mẹ đẻ. Kỹ năng đó vô hình trung giúp Han, vốn hoạt ngôn và tính cách sôi nổi trở thành người phát ngôn cho các đồng nghiệp châu Á.

Han làm Chủ tịch điều hành Asian Tour giai đoạn 2006-2016
Han làm chủ tịch điều hàng Asian Tour giai đoạn 2006-2016
 

“Khi tôi trưởng thành, Kyi Hla là chàng trai của châu Á, là hình mẫu mà chúng tôi hướng đến và tên tuổi mà mọi golfer đều biết”, Iain Steel, golfer thành viên Asian Tour người Malaysia hồi tưởng.

Tuy nhiên, Han không thành mục tiêu vào PGA Tour sau bảy lần thất bại qua nhóm giải Q-School. Sau khi giải nghệ vào năm 2004, Han tham gia vào nhóm lãnh đạo hệ thống giải châu Á với vai trò uỷ viên. Hai năm sau, ông được bổ nhiệm thành Chủ tịch Asian Tour và giữ ghế này trong 10 năm.

Trong nhiệm kỳ của mình, Han đã góp phần quảng bá các giải đấu như Singapore Open trở thành sự kiện thu hút nhiều tên tuổi thử sức, đưa HSBC Championship vào loạt World Golf Championship từ năm 2009 và CIMB Classic làm giải Asian Tour đầu tiên được đồng chủ trì với PGA Tour.

Sân Dalat at 1200 do Han thiết kế khi đương nhiệm Chủ tịch Asian Tour
Sân Dalat at 1200 do Han thiết kế khi đương nhiệm Chủ tịch Asian Tour

Bên cạnh công việc điều hành Asian Tour, tại Việt Nam, Han với trải nghiệm ở những sân golf hàng đầu thế giới đã thiết kế The Dalat at1200, sân golf 18 hố tuyệt đẹp song không kém thách thức nằm quanh thung lũng thiên nhiên Đạ Ròn (Đà Lạt), có độ cao 1.200 mét so với mực nước biển. Sân đi vào hoạt động từ năm 2015.

Nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Han, Asian Tour sẽ thành lập giải thưởng mang tên ông - Kyi Hla Han Future Champion Award giúp hỗ trợ phong trào golf trẻ nói riêng và môn golf châu Á nói chung.

Cập nhật tin tức nhanh chóng bằng cách tải ứng dụng Sgolf:

Thanh Bình (Golf Việt)

225 0 0